Kết nối âm nhạc truyền thống ASEAN

VHO- Được xây dựng trên nền nhạc cụ truyền thống, buổi hòa nhạc dân tộc C asean Consonant đã diễn ra vào tối qua 15.10 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, với sự tham gia của 10 nghệ sĩ đến từ 10 quốc gia Đông Nam Á, mang đến cho khán giả những trải nghiệm âm nhạc độc đáo và sâu sắc. Đồng thời, buổi hòa nhạc cũng mang ý nghĩa như một trạm dừng đầy cảm xúc, góp phần tăng cường tình hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực.

Kết nối âm nhạc truyền thống ASEAN - Anh 1

 Chương trình hòa nhạc dân tộc C asean Consonant tối 15.10

 Cuộc đối thoại văn hóa - nghệ thuật ASEAN
Hòa nhạc dân tộc C asean Consonant với chủ đề Tình hữu nghị xuyên biên giới do C asean phối hợp với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) tổ chức. Bà Sutthipun Nujjaya, Phó Tổng giám đốc C asean cho biết, đây là sự kiện đặc biệt khi có sự tham gia của các nhạc sĩ, nghệ sĩ chuyên nghiệp đến từ các quốc gia Đông Nam Á. “C asean mong muốn đóng vai trò là nền tảng cho các cuộc đối thoại văn hóa - nghệ thuật ASEAN, bởi hai yếu tố này là công cụ thiết yếu để dung hợp các di sản, gắn kết chúng ta trong tình hữu nghị hài hòa và bản sắc, lấy con người làm trung tâm. Chương trình hòa nhạc dân tộc C asean Consonant bắt đầu hành trình từ năm 2015 tại Thái Lan, đến nay đã trình diễn tại Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Indonesia; điểm đến năm nay của dàn nhạc là Việt Nam”, bà Sutthipun Nujjaya nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm, C asean Consonant là một dàn hòa tấu âm nhạc truyền thống của ASEAN; sử dụng ngôn ngữ phổ quát nhất của nhân loại là âm nhạc như một phương tiện để dệt nên các di sản nghệ thuật khác nhau, từ đó, xây dựng các mối quan hệ hiểu biết, tình bạn và hợp tác mạnh mẽ hơn.
10 nghệ sĩ đến từ 10 quốc gia ASEAN đã được lựa chọn để đồng sáng tạo nên những buổi trình diễn vô cùng ấn tượng. Dự án đã trở thành một sân chơi để thế hệ trẻ chia sẻ, học hỏi, phát triển và gìn giữ bản sắc dân tộc mình. “Bằng sự kết nối của âm nhạc, ASEAN thực sự là một mái nhà lớn. Các nghệ sĩ đã đem đến các nhạc cụ dân tộc, mặc trang phục truyền thống đến với buổi hòa nhạc. Đây cũng là dịp rất đặc biệt để một lần nữa, người dân Hà Nội tận hưởng vẻ đẹp của văn hóa các nước ASEAN. Vì thế, tôi rất vui khi chương trình đón nhận được đông đảo người dân Việt Nam cùng gia đình họ đến tham gia”, bà Sutthipun Nujjaya chia sẻ.

Kết nối âm nhạc truyền thống ASEAN - Anh 2

 Nghệ sĩ Việt Nam Lê Thùy Linh tham gia chương trình ngay từ những ngày đầu thành lập

Dùng ngôn ngữ âm nhạc để nối vòng tay lớn
Với vai trò là đơn vị đồng tổ chức chương trình hòa nhạc Tình hữu nghị xuyên biên giới, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam Lê Anh Tuấn cho biết, đơn vị đã đồng hành cùng với C asean Consonant từ những ngày đầu tiên. Việc lựa chọn Hà Nội là điểm đến cho hành trình năm nay của C asean Consonant đã khẳng định Thủ đô nước Việt Nam chính là một cửa ngõ ra thế giới. Nhóm C asean đã dùng âm nhạc để kết nối con người lại với nhau, đó là một cách thức rất thông minh và hiệu quả. 10 nghệ sĩ đến từ 10 quốc gia, với ngôn ngữ, tập tục, tôn giáo, văn hóa khác biệt, nhưng họ đã trở thành bạn bè, gia đình thông qua âm nhạc. 
“Tôi rất vui khi thấy nhóm đã dùng âm nhạc để nối vòng tay lớn. Mặc dù hằng năm, Học viện đã tổ chức hàng trăm buổi hòa nhạc khác nhau, nhưng đối với tôi, C asean Consonant còn hơn cả một buổi biểu diễn, bởi đây là nơi tôn vinh sự hòa bình, hợp tác, hữu nghị trong cộng đồng ASEAN”, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chia sẻ.
Giảng viên và sinh viên của Học viện đã tham gia C asean Consonant với vai trò nghệ sĩ tư vấn và nghệ sĩ biểu diễn. Trong đó, nghệ sĩ Ngô Trà My và Lê Thùy Linh là những đại diện Việt Nam trong nhóm hòa tấu của chương trình. Các nghệ sĩ đã giới thiệu vẻ đẹp của âm nhạc Việt qua hai nhạc cụ là đàn bầu và t’rưng. Đây là hai cây đàn có âm sắc và cách thể hiện rất đặc sắc và chỉ Việt Nam mới có, hòa quyện với các nhạc cụ truyền thống của các nước ASEAN đã tạo ra một bản hòa âm vô cùng hấp dẫn và thú vị.

Kết nối âm nhạc truyền thống ASEAN - Anh 3

Trong Tình hữu nghị xuyên biên giới, các nghệ sĩ Việt Nam đã trình diễn tác phẩm Nhịp cầu quê hương. Đây là bài hát tôn vinh tình yêu quê hương đất nước và vẻ đẹp cảnh sắc của miền Nam Việt Nam. Đối với mọi người dân Việt, dù là ở đâu, đi đâu thì sâu thẳm bên trong cũng luôn ấp ủ mong đợi được quay trở về nơi quê cha đất tổ. Bản nhạc đã tôn lên vẻ đẹp của thanh âm từ đàn bầu, một trong những nhạc cụ dân tộc tuyệt vời trên dải đất hình chữ S.
Tham gia chương trình ngay từ những ngày đầu thành lập, nghệ sĩ trẻ Lê Thùy Linh cho biết, khi cùng chung tay góp sức vào một dự án âm nhạc lớn, mỗi một đất nước, mỗi một quốc gia đều có bản sắc âm nhạc riêng, nhạc cụ đặc trưng riêng... Vậy nên nghệ sĩ nào cũng muốn khoe những cái đẹp nhất, hay nhất của dân tộc mình. Và trong quá trình đó, các nhạc cụ cũng như sự trình diễn của các nghệ sĩ Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Chúng ta có một nền âm nhạc dân tộc vô cùng phong phú và rực rỡ, không chỉ truyền tải giá trị nghệ thuật, âm nhạc dân tộc còn có sứ mệnh lớn lao khi phản ánh tâm tư, tư duy, tâm hồn người Việt; đồng hành với đất nước trong những cuộc trường chinh lịch sử và sự nghiệp phát triển, hội nhập quốc tế. Xung quanh chúng ta có nhiều nền văn hóa, nền âm nhạc lớn, nhưng phải khẳng định Việt Nam có ngôn ngữ âm nhạc riêng, có nhạc cụ riêng phản ánh dòng chảy văn hóa Việt. 
“Tham gia chương trình, tôi không chỉ chơi nhạc cùng các nghệ sĩ quốc tế mà còn được chia sẻ và hiểu biết nhiều hơn về những câu chuyện văn hóa, âm nhạc của các nước. Vốn là người chơi nhạc cụ dân tộc, tôi luôn mong muốn quảng bá, giới thiệu và lan tỏa âm nhạc dân tộc của Việt Nam tới cộng đồng các quốc gia ASEAN và trên toàn thế giới”, nghệ sĩ Lê Thùy Linh chia sẻ.
Bà Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) cho biết, buổi hòa nhạc đem đến sự thống nhất và đoàn kết. Từ âm nhạc, chúng ta có cơ hội làm việc cùng nhau, đồng sức đồng lòng và làm thế giới trở nên tốt đẹp hơn; đồng thời, bà cũng mong muốn âm nhạc dân tộc của ASEAN có đủ sức lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu.
Ông Anant Narkkong, đạo diễn âm nhạc của C asean Consonant chia sẻ về sự hòa hợp mà những phong cách biểu diễn cũng như những nhạc cụ khác nhau của các quốc gia mang đến trong chương trình hòa nhạc lần này. Ông bày tỏ sự mong muốn viết thêm một trang lịch sử mới cho âm nhạc dân tộc truyền thống. C asean đã trao cơ hội và tạo điều kiện cho các tài năng trẻ tái tạo và phát huy nền âm nhạc ASEAN, đây cũng chính là ngôn ngữ mới dùng để kết nối con người lại với nhau. 

THANH NGỌC

Ý kiến bạn đọc